“Có thể kiếm thêm 1 tỷ đồng, nếu để thêm 3 ngày” - đấy là một trong những mẩu chuyện giới cò đất cập nhật mỗi ngày tại quán cà phê trên đường Duyên Hải (Cần Thạnh, Cần Giờ).
Kể từ đầu tháng 4,
giá đất tại Cần Giờ tăng đột biến theo cấp số nhân, tỷ lệ thuận với số lượng giao dịch trên địa bàn 2 xã Bình Khánh, Tam Thôn Hiệp và thị trấn Bình Khánh. Đây là những khu vực được cho là nằm trong tâm của cơn sốt đất đang diễn ra tại Cần Giờ.
'8 trong số 10 mảnh đất bán của người trên Sài Gòn'
Trong phạm vi 500 m từ lúc qua phà Bình Khánh về phía UBND xã Bình Khánh đã có ngót nghét chục bảng quảng cáo dịch vụ mua bán đất, nhận ký gửi và đo đạc đất đai.
“Cứ 10 người mua đất thì hết 8 người từ trung tâm TP.HCM hoặc từ nơi khác kéo về Cần Giờ mua. Mà cứ 10 chủ đất là có 7-8 chủ sở hữu là người trên Sài Gòn”, một người làm dịch vụ môi giới đất tại xã Bình Khánh cho biết.
Người môi giới này cũng cho biết đa số những chủ đất này đã mua đất tại Cần Giờ cách đây một vài năm, thậm chí có người mới chỉ mua cách đây vài ngày, rồi ký gửi lại để sang tay kiếm lời.
|
Một điểm "tập kết" quen thuộc của giới đầu tư và cò đất trên đường Tắc Xuất, bãi biển Thùy Dương vào buổi trưa.
|
Khu vực gần UBND xã Bình Khánh là nơi có giá đất biến động mạnh nhất. Anh T., một người môi giới khác tại đường Rừng Sát, xã Bình Khánh, cho biết giá đất trong phạm vi bán kính 1 km trở lại khu vực ngã tư UBND xã Bình Khánh cách đây một năm chỉ quanh mức 5-6 triệu đồng/m2, nay lên 7-8 triệu đồng/m2. Cá biệt có một số vị trí đẹp nằm gần mặt tiền và gần UBND xã Bình Khánh, trong tuần trước đã chạm mốc 10-12 triệu đồng/m2.
Một nhân viên từ công ty tư nhân chuyên làm dịch vụ môi giới đất trên đường Rừng Sát cho biết đa số khách hàng tìm đến mua đất là từ trung tâm TP.HCM.
Trước đó nhiều năm, trong giai đoạn 2000-2010, một số người khá giả từ quận 7, quận 1 sang tìm mua đất tại Cần Giờ. Thời điểm đó, giá đất chỉ vài trăm nghìn đồng đến 1-2 triệu đồng/m2, và đất còn tính theo công (sào). Do vậy, người có đất bán tại Bình Khánh thời điểm này chủ yếu cũng là người ở các quận khác của TP.HCM.
Khu vực nóng nhất Cần Giờ là thị trấn Cần Thạnh cùng với xã Long Hòa. Các tuyến đường trọng yếu như Duyên Hải, Lương Văn Nho, đường Thạnh Thới, đường Tắc Xuất, đường Đào Cử, đường Đặng Văn Kiều và Lê Hùng Yên... giá đất tăng theo từng ngày kể từ đầu tháng 4 đến nay. Mỗi ngày, giá giao dịch có thể tăng lên vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng mỗi m2.
Cụ thể, con đường Duyên Hải kéo dài từ xã Long Hòa qua thị trấn Cần Thạnh mức giá thay đổi nhanh khi càng về phía trung tâm. Tại xã Long Hòa, giá đất vườn, đất thủy sản mặt tiền đường đang được giao dịch 3-5 triệu đồng/m2 tùy vị trí.
Những khu đất đã có một phần được chuyển mục đích sử dụng sang đất ở được bán 5-6 triệu đồng/m2, tăng 3 lần so với cách đây 8 năm và gấp đôi giá đầu năm nay. Còn nếu so với đầu tháng 4 đến nay chỉ 3 tuần, giá đã tăng 30-50%.
|
Đường Rừng Sát, tuyến đường chính nối trung tâm TP.HCM đến Cần Giờ dự kiến sẽ còn được nâng cấp mở rộng, khiến giá đất ven khu vực này đang được nhiều người săn mua.
|
Cũng trên tuyến đường này nhưng thuộc địa phận thị trấn Cần Thạnh, càng về trung tâm, giá bán càng tăng, lên mức 4-6 triệu đồng/m2. Tuần trước, giá nhiều khu mặt tiền đã chạm ngưỡng 10-16 triệu đồng/m2. Riêng khu vực gần ngã tư đường Tắc Xuất, cách bờ biển vài chục mét, giá nhà đất được rao 17-18 triệu đồng/m2. Mức giá này đã tăng thêm 500.000-2.000.000/đồng mỗi mét vuông chỉ trong một tuần.
Ở các tuyến đường còn lại, giá bán đất lúc này cũng đã quanh ngưỡng 6-17 triệu đồng/m2.
Đất Cần Giờ 'chính chủ' khan hiếm
Tại xã Tam Thôn Hiệp và thị trấn Cần Thạnh, đất đai được bán trong vòng một tháng trở lại đây cũng chủ yếu là đất đã được sang tay lần thứ hai trở đi.
Dân môi giới cho biết chủ đất ở khu vực xã này cũng có quá nửa là người từ các địa phương khác.
Đường Thạnh Thới đã có hiện tượng không có đất bán lần đầu. Có nghĩa đa số các nền đất đang được rao bán tại đây đã sang tay ít nhất một lần.
Nguyên nhân vì các nền đất trên mặt tiền đường này chủ yếu diện tích nhỏ, giá giao dịch quanh ngưỡng 1-5 tỷ đồng, nên dễ được giới đầu tư mua trước vì khả năng thanh khoản cao, dễ sang tay lần thứ hai, thứ ba. Mỗi lần sang tay, giá đất tăng lên từ 20-100%.
Hiện chỉ còn vài khu đất đẹp nằm rải rác trên đường Duyên Hải, thị trấn Cần Thạnh là đất thuộc sở hữu của người dân gốc huyện Cần Giờ, chưa qua sang tay.
|
Một người dân đang đo lại diện tích đất trên đường Duyên Hải, xã Long Hòa - trước đây là vườn trồng xoài - để chuẩn bị rao bán.
|
Ông N, một người dân đã sống tại thị trấn Cần Thạnh qua nhiều thế hệ, cho biết: “Gia đình không có nhu cầu bán đất nhưng thấy nhiều người hỏi mua, giá tăng mạnh nên cũng đang cân nhắc”.
Một môi giới đất tại thị trấn Cần Thạnh cho biết nhiều khách hỏi mua đất tại đường Lương Văn Nho nhưng không còn để bán. Đây là con đường đang được thi công mở rộng lộ giới lên 24-28 m, cũng là một trong những tuyến đường có quy mô rộng nhất tại trung tâm Cần Thạnh. Giá đất ở đây đầu tháng 4 được giao dịch 7-15 triệu đồng/m2 và gần như không có đất chính chủ, đa số đã được người mua đầu tư sang tay.
Tại đường Tắt Xuất, đất càng khan hiếm hơn. Một số khu đất đang được bán chủ yếu là đất chưa xây nhà, chủ ở các quận khác của TP.HCM về mua lại cách đây nhiều năm, nay bán ra.
Giá chỉ tăng theo cụm
Thực tế, giá đất tại Cần Giờ mới chỉ tăng đột biến từ trung tuần tháng 4. Tốc độ và biên độ tăng tùy thuộc vào vị trí của từng khu đất. Mỗi khu vực lại có một mặt bằng giá khác nhau và có đối tượng người mua khác nhau.
Có thể ví hai vùng có lượng giao dịch và giá trị giao dịch cao nhất của bất động sản Cần Giờ như hai đầu của chiếc đòn gánh theo hướng Bắc - Nam. Trong đó phía Bắc của huyện Cần Giờ (hướng giáp Nhà Bè) là một đầu, và đây cũng là tâm điểm sốt giá hiện nay, bao gồm 3 xã nóng là Bình Khánh, Tam Thôn Hiệp và An Thới Đông. Cá biệt đường Tam Thôn Thạnh (xã Tam Thôn Hiệp) có tốc độ giao dịch nhanh nhất trong số 3 cụm xã này.
Chị Mai, người môi giới đất tại đường Tam Thôn Thạnh, cho biết giá đất tại đường này nóng nhất trong số các xã gần đường về trung tâm TP.HCM, nhưng không quá nóng như tại thị trấn Cần Thạnh. Do vậy, đa số các giao dịch tại xã Tam Thôn Hiệp cũng như xã An Thới Đông được tính giá trên đơn vị là công - cách gọi của người địa phương, 10 công tương đương 1 ha. Riêng tại xã Bình Khánh, giá đất tính theo đơn vị là m2 tại các vị trí mặt tiền đường Rừng Sát và khu vực dân cư hiện hữu.
Tại xã Tam Thôn Hiệp, đầu tháng 4, giá đất mặt tiền đường từ mức khoảng 200 triệu lên 300-380 triệu đồng/công, đến tuần thứ 3 của tháng này đã vọt tăng lên 400-500 triệu đồng/công.
Tại những vị trí nằm sâu bên trong, giá mỗi công đất ban đầu chỉ khoảng 100-200 triệu đồng, nay cũng đã tăng lên 150-350 triệu đồng tùy vào độ đẹp của đất.
Một đặc điểm
thị trường dễ thấy rõ, là chỉ sau 20 ngày cơn sốt đất nổi lên, số lượng đất có treo bảng rao bán đã giảm đáng kể. Ông Út - chủ một nhà nghỉ tại Cần Thạnh, cho biết nhiều khu đã bán xong.